Lễ Hội Gion (祇園祭) Tại Kyoto, Nhật Bản.
Tìm hiểu lễ hội Gion (祇園祭)
tại Kyoto, Nhật Bản.
Lễ hội Gion (祇園祭) được tổ chức tại Kyoto vào tháng 7 hàng năm và là một trong 3 lễ hội lớn nhất tại Nhật Bản. Vậy lễ hội này là gì? Được tổ chức như thế nào? Cùng Tiệm Điều Ước tìm hiểu nhé!
Lễ hội Gion (祇園祭) là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất xứ sở hoa anh đào, diễn ra ở Kyoto trong suốt tháng 7 hàng năm. Lễ hội này bắt nguồn từ lễ tẩy trần để làm dịu đi suy nghĩ gây hỏa hoạn, lụt lội, động đất của các vị thần, theo phong tục của người dân địa phương. Lễ hội này thể hiện nét văn hóa truyền thống cũng như mong muốn sự phồn thịnh cho thành phố Kyoto.
Lễ hội Gion (祇園祭)
Nguồn gốc của lễ hội Gion (祇園祭) ở Kyoto.
Lễ hội Gion ở Kyoto ra đời từ việc cầu nguyện các vị thần bảo vệ khỏi thiên tai. Trên thực tế, vào năm 869, một trận dịch kinh hoàng đã lan rộng khắp Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của vô số người. Trước yêu cầu của người dân, Thiên hoàng Seiwa quyết định cầu thần để chấm dứt nạn dịch. Vị hoàng đế này đã chế tạo 66 cỗ xe cực kỳ tinh xảo và sang trọng đại diện cho 66 tỉnh thành lúc bấy giờ và đến đền thờ Yasaka ở Kyoto để gửi lời cầu nguyện đến các vị thần. Sau khi Thiên hoàng Seiwa đưa ra lời cầu khẩn với các vị thần, dịch bệnh đã dần được đẩy lùi. Kể từ đó, người dân ở Kyoto thường xuyên tổ chức lễ hội rước kiệu từ đền Yasaka để cầu mong nước Nhật tránh được thiên tai dần trở thành một nét đẹp trong văn hóa Nhật Bản.
Sau năm 869, lễ hội Gion cũng được tổ chức, nhưng không phải hàng năm. Đến năm 970, lễ hội Gion đã trở thành lễ hội thường niên ở Kyoto. Trong khoảng thời gian từ năm 970 đến nay, lễ hội Gion chỉ bị đình chỉ trong 33 năm từ 1477 đến 1500 vì nội chiến. Sau thời gian đó, hàng năm lễ hội Gion được tổ chức và quy mô ngày càng lớn và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Lễ hội Gion được bắt đầu từ đền Yasaka, được biết đến như là Gion-san, nằm ở phía đông của Thành phố Kyoto, nằm cuối con đường Shi-jo (4th street ) và cạnh công viên nổi tiếng về Hoa anh đào Maruyama . Đền Yasaka được mở 24 giờ và là một trong những thắng cảnh đẹp và nổi tiếng nhất của Kyoto cùng với chùa Vàng, chùa Bạc, Kyomizudera… Nơi đây thật sự rất đặc biệt, nếu đến vào ban đêm thì bạn sẽ có một cảm giác khác và ban ngày sẽ là một cảm giác khác. Rất hoành tráng và cũng rất yên tĩnh.
Đền Yasaka trong ngày lễ hội Gion
1. Lễ dựng kiệu Hoko và Yama (từ mùng 10-15//7).
Đến với Kyoto vào những ngày tháng 7 thời tiết đỏng đảnh như một cô nàng khó tính, cái nắng chói chang kết hợp với những cơn mưa rào bất chợt, xối xả, tạo thành không khí hừng hực rất đặc trưng của vùng lòng chảo, những ngày đầu khi các cỗ kiệu Hoko cao tới vài chục thước đang được dựng lên trong lòng những con phố nhỏ trung tâm thành phố Kyoto. Nơi đây, thời gian như ngừng lại, lắng đọng ở khoảnh khắc người thợ mướt mồ hôi thắt thắt, buộc buộc sao cho những mối thừng đẹp đều tăm tắp và đủ bền để có thể cõng trên lưng kiệu cả chục người trong đội nhạc Hayashi, ở phút giây cả trăm người đứng xem dựng kiệu cùng ồ lên thán phục khi cây cột gỗ nặng vài tấn, cao 23 thước của cỗ kiệu Naginata được dựng lên theo phương thẳng đứng vuông góc với mặt đất.
Được mệnh danh là trung tâm của lễ hội Gion, vì vậy, 23 cỗ kiệu Hoko và 10 cỗ kiệu Yama được dựng và trang hoàng chau chuốt trong khoảng từ 3 đến 5 ngày trước lễ rước chính diễn ra vào 17/7. Những cỗ kiệu Hoko với kết cấu lớn, có bánh xe, có thể cõng cả 15-20 người múa kiếm và biểu diễn nhạc trên kiệu được dựng sớm trong 3 ngày từ mùng 10 đến 13/7. Sự thuần thục đáng ngạc nhiên của đội thợ lắp và trang trí kiệu đã cho “ra đời” những cỗ kiệu to lớn, uy nghi chỉ với các thanh gỗ và hàng nghìn mét dây thừng, khiến cho chúng tôi đoán rằng đây hẳn là công ty chuyên lắp đặt đồ gỗ được thuê, nhưng chúng tôi lại khá bất ngờ khi biết rằng nhiều người trong số họ là tình nguyện viên, là con, em những người dân phố cổ, và sự thuần thục chính là kinh nghiệm được đúc kết và truyền dạy trong nhiều thế hệ. Các cỗ kiệu Yama có cần để kéo hoặc khênh, với hình dáng nhỏ gọn, đơn giản hơn, chỉ cần lắp trong 1-2 ngày là xong nên công việc lắp kiệu Yama được bắt đầu muộn hơn, vào khoảng ngày 14-15/7. Trong năm nay, năm 2017, có 33 cỗ kiệu tham gia vào lễ diễu hành (Yama - Hoko junko) được chia làm 2 đợt, bao gồm Lễ hội trước (Mae matsuri) được tổ chức vào 17/7 và Lễ hội sau (Ato matsuri) được tổ chức vào ngày 24/7. Tương truyền, Lễ hội Gion được khởi nguồn từ lễ tế thần (御霊会 - Gyoryoe) để tiễu trừ bệnh tật, xua đi các oán linh (怨霊 - onryo) làm hại người dân đô thị Heian từ thế kỷ thứ 8, với lễ rước các vị thần trên những cỗ kiệu. Đã là “rước” đương nhiên phải có “tiễn”, chính vì vậy mà lễ rước kiệu ngay từ xa xưa đã được chia làm 2 lần để đón và tiễn các vị thần. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian vài thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, lễ hội Gion được đơn giản hóa chỉ với một lễ rước duy nhất vào 17/7. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, lễ hội Gion được kêu gọi phục hồi nguyên dạng, do đó hai lễ rước kiệu gồm một lễ đón Thần và một lễ tiễn Thần được tổ chức vào ngày 17 và 24/7.
2. 33 Kiệu rước độc đáo và lộng lẫy
Theo truyền thuyết, Hoàng đế Seiwa đã cầu nguyện các vị thần làm 66 cung điện đại diện cho 66 tỉnh vào thời điểm đó. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ có 33 kiệu được mang trong lễ hội Gion. 33 Lễ rước trong lễ hội Gion ở Kyoto được chia thành hai loại: Hoko và Yama. Hoko là một loại kiệu lớn hai tầng với các bánh xe lớn dùng để kéo. Loại kiệu này nặng tới 12 tấn và thường cần khoảng 50 người kéo xe. Ngồi trên kiệu còn có 35-40 người chơi nhạc cụ để tăng thêm tinh thần, 2 người đứng phía trước hô khẩu hiệu và 4 người đứng trên nóc giúp kiệu luôn di chuyển đúng lộ trình. Yama là một loại kiệu nhỏ hơn với trọng lượng dưới 1 tấn có thể chở hơn 14-24 người trên vai. Cả 33 chiếc phao đều vô cùng xa hoa và lộng lẫy, thể hiện trình độ thủ công đỉnh cao của những người thợ thủ công đương thời.
Trong số các loại phao nổi, có một loại phao khá đặc biệt, đó là Yamaboko. Đây là loại kiệu lớn nhất với chiều cao lên tới 25 mét và trọng lượng lên tới 12 tấn. Tâm điểm của lễ hội là ngày 17 và 24 tháng 7, cũng là ngày chiếc phao Yamaboko được đưa đi khắp các con phố. Do chiều cao của kiệu quá lớn nên tỉnh Kyoto phải rất vất vả mới có thể "dọn đường" cho kiệu đi qua. Một số nơi thậm chí còn thiết kế lại các tòa nhà công cộng để có thể sụp đổ chỉ để phục vụ cho Yamaboko đi qua trong lễ hội hàng năm. 33 Chiếc phao này sau lễ hội sẽ bị tháo dỡ, không còn nguyên vẹn và sang năm vào mùa lễ hội chúng được ráp lại thành những chiếc phao hoàn chỉnh.
3. Yoi-yoi-yama (宵宵山) và Yoi-yama (宵山), lễ hội ban đêm trước lễ rước chính
Những lễ hội đêm diễn ra vào khoảng 2 - 3 ngày trước khi diễn ra lễ Tuần hành các cỗ kiệu chính thức vào ngày 17/7 được gọi là Yoiyoiyama (宵宵山) và Yoiyama (宵山). “Yoi” có nghĩa là “yoru” (buổi tối), còn “yama” có nghĩa là những cỗ kiệu, cụm từ này biểu thị việc nhìn ngắm các cỗ kiệu lộng lẫy ban đêm. Mỗi chữ “yoi” có nghĩa là 1 đêm trước lễ hội. Hiện nay, có tới 3 chữ “yoi” được gắn thêm vào, cũng đồng nghĩa với việc các lễ hội đêm được kéo dài thêm 1 ngày để phục vụ khách du lịch đến tham quan.
Lễ hội Yoiyama náo nhiệt nhất là vào đêm 16/7, đêm ngay trước lễ rước chính. Vài chục con phố nhỏ nơi chứa các cỗ kiệu yama, hoko và hai đại lộ lớn là đại lộ Shijo và Karasuma được chuyển thành phố đi bộ từ 6h tối. Lúc này, cả trăm ngàn khách bộ hành đổ về đây, nên những con phố nhỏ càng thêm ồn ào và đông đúc. Các quầy hàng lưu động bán đồ ăn thức uống và đồ lưu niệm mọc lên khắp các ngõ ngách. Một trong những thú vui của các du khách và người dân phố cổ, ngoài việc leo lên những cỗ kiệu cheo leo để thưởng ngoạn các “viện bảo tàng nghệ thuật di động” nơi đây, là chen chân trong các ngõ nhỏ lùng mua bằng được món đồ lưu niệm vốn chỉ được bán duy nhất vào dịp này, hoặc thưởng thức những món ăn truyền thống vùng Kansai như Bạch tuộc nướng, bán trôi, bánh nếp... Một thú vui khác nữa, đó là ngắm nhìn các cô gái Nhật xinh đẹp trong những bộ Yukata truyền thống với màu sắc sặc sỡ, tươi tắn.
Hòa vào dòng người đi bộ tấp nập, đi từ phố chính vào tới những ngõ nhỏ. Nơi đây tràn ngập tiếng rao lảnh lót của các đội thiếu nhi, mỗi đội chừng dăm bảy em, lời rao có vần điệu nghe như những bài đồng dao xưa, cũng có nơi các em nhỏ vừa rao bán hàng lưu niệm, vừa đánh trống, khua chiêng. Mỗi món đồ, từ cây nến nhỏ có giá vài chục yên đến lá bùa chimaki (粽) xua đuổi bệnh tật với giá một ngàn yên, đều được trao tới tay khách mua hàng với lời cảm ơn trịnh trọng. Có thể thấy sự kết nối giữa các thế hệ: nam, phụ, lão, ấu cùng chung tay vào việc tổ chức lễ hội. Mỗi phố đều tự hào về cỗ kiệu của họ, trang hoàng sao cho đẹp mắt nhất, bày bán những đồ lưu niệm độc đáo nhất... Điều đáng ngạc nhiên là, ngay cả ở những phố mới, nơi các tòa chung cư cao tầng mọc lên san sát, thì những cỗ kiệu cổ, bằng cách nào đó vẫn đứng uy nghi giữa phố, thu hút ánh mắt tò mò và ngưỡng mộ của chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng người dân phố cổ nơi đây đã cố gắng thế nào để gìn giữ văn hóa truyền thống của họ, đồng thời mở lòng đón nhận sự tham gia của những cư dân mới (sống trong các tòa chung cư) để những cỗ kiệu của phố họ được lưu giữ, mỗi năm một lần trang hoàng lộng lẫy nghênh đón các vị thần, cùng trường tồn mãi với thời gian.
4.Lễ diễu hành kiệu Yama – Hoko (山鉾巡行)
Sáng sớm ngày 17/7/2017, tại ngã tư giao cắt giữa hai đại lộ Shijo và Fuyamachi dori. Nơi đây, vào lúc 9h30 sáng sẽ diễn ra một nghi lễ quan trọng, đó là lễ “cắt thừng” (しめ縄切り- Shimenawa kiri) do một cậu bé 10 tuổi đóng vai “thần nhi” của cỗ kiệu Naginata-hoko - cỗ kiệu đi đầu trong lễ rước được hóa trang, mặc lễ phục thần nhi Gion vung kiếm chặt đứt sợi dây thừng lớn buộc ở đầu cỗ kiệu. Điều này biểu trưng ý nghĩa “các vị thần đã đồng ý cho đám rước kiệu Yama-Hoko được bắt đầu”. Trước đó, đã diễn ra một nghi lễ không kém phần quan trọng ở ngã tư đại lộ Shijo và Sakai machi dori, nghi lễ “Kuji aratame” (くじ改め) – lễ đặt số thứ tự cho các cỗ kiệu: mỗi cỗ kiệu đi qua đây đều nhận được số hiệu chính thức của mình trong đám rước năm nay. Mặc dù trước đó một tháng, khi tất cả 33 phố làm kiệu đều đã nhận được thông báo về thứ tự của mình trong đám rước bằng phương thức bốc thăm, nhưng phải đến sáng sớm ngày 17/7 khi bắt đầu xuất hành tại ngã tư Shijo-Sakai machi dori, họ mới chính thức nhận được “con số may mắn” của mình.
Trong lễ hội Gion năm 2017 này, 33 cỗ kiệu tham gia vào Lễ tuần hành kiệu Yama-Hoko được chia làm 2 nhóm: nhóm thứ nhất tham gia vào Lễ rước đầu (前祭り) ngày 17/7 bao gồm 23 cỗ kiệu Hoko và Yama, đi đầu là cỗ kiệu Naginata-hoko (長刀鉾) - mang ý nghĩa “trừ thiên tai” (厄除), ý nghĩa chính của lễ hội Gion. Kiệu Naginata-hoko được quy định luôn đi đầu trong lễ tuần hành kiệu hàng năm. Đi cuối cùng luôn là cỗ kiệu Fune-hoko (船鉾) thờ thần “An sản” (安産) - thể hiện sự mong muốn mọi việc an lành, trót lọt. Nhóm thứ hai gồm 10 cỗ kiệu Yama còn lại, tuần hành trong đám rước cuối (後祭り) vào sáng ngày 24/7. Đi đầu đám rước cuối năm nay là kiệu Hashibenkei-Yama (橋弁慶山) với ước vọng về sức khỏe, bình an cả trong tâm can và thân thể (心体健康), đi cuối vẫn luôn là kiệu thuyền Ofune-hoko (大船鉾) biểu trưng cho sức mạnh vượt qua nguy biến, chiến thắng vận mệnh, đến được bến bờ thành công (安産・勝運).
Một trong những điểm thu hút người xem trong lễ rước kiệu chính là kỹ thuật “rẽ kiệu” (Tsuji mawashi -辻回し), nói cách khác, đó là làm thế nào để xoay những chiếc kiệu nặng hàng chục tấn một góc 90 độ, ở những ngã tư đường tương đối hẹp. Ở đây, những người kéo kiệu chỉ sử dụng các thanh tre và nước, với “kỹ thuật truyền thống” điêu luyện. Khi mỗi chiếc chiếc kiệu rẽ thành công từ đường Shijo vào Kawaramachi, trung tâm phố cổ Kyoto, những tiếng hò reo không ngớt vang lên. Chọn góc phố giao cắt giữa Shijo và Kawaramachi, nhóm điền dã của chúng tôi đã ngắm nhìn được trọn vẹn 23 cỗ kiệu đẹp lộng lẫy với hàng nghìn người kéo kiệu diễu hành qua đây.
Trong Lễ tuần hành cuối Ato-matsuri (後際り), khách du lịch và người dân Kyoto còn được mãn nhãn với màn diễu hành Ô hoa Hana kasa junko (花傘巡行) với sự tham gia của hàng nghìn học sinh, sinh viên Kyoto. Diễu hành Ô hoa không phải là màn diễu hành truyền thống mà mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây, làm phong phú thêm cho lễ hội Gion mà thôi. Song, màn diễu hành này cũng thu hút sự quan tâm của du khách bởi mỗi người đều có thể đăng ký tham gia đám rước này, trực tiếp cảm nhận không khí sôi động của lễ hội.
5. Một số cảm tưởng về lễ hội Gion
Lễ hội Gion kéo dài suốt từ 1/7 đến 29/7 tại cố đô Kyoto đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó phai. Đó không chỉ là tầm vóc của một lễ hội hoành tráng, rực rỡ; không chỉ là lịch sử được tái hiện một cách trân trọng và trung thực, mà ấn tượng đậm nét còn đọng lại ở những con người cần cù, giản dị nhưng đầy kiêu hãnh dưới cái vẻ khiêm nhường nhã nhặn rất riêng của người dân phố cổ Kyoto.
Với tầm vóc của một lễ hội lớn vào bậc nhất ở Nhật Bản, lễ hội Gion hàng năm thu hút khoảng 300.000 - 400.000 lượt du khách đến Kyoto tham quan lễ hội, không kể những người dân bản xứ. Một lượng lớn du khách đổ về khu vực phố cổ Gion, Shijo và Kawaramachi như vậy khiến cho công tác quản lý và đảm bảo an ninh cho lễ hội càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Trước ngày diễn ra lễ rước kiệu, tất cả các ga tàu điện và tàu điện ngầm đều được tăng cường lực lượng cảnh sát bảo vệ và chỉ đường. Tại những ga lớn như Karasuma, Kawaramachi... với hàng chục cửa ra vào, mỗi cửa đều được cắt cử người hướng dẫn tận tình cho du khách. Tại các quầy thông tin ở ga và bến xe buýt khu vực trung tâm có phát miễn phí bản đồ Kyoto, bản đồ lễ hội và bản đồ diễu hành kiệu... hướng dẫn đường đi một cách cụ thể. Mô hình các cỗ kiệu cũng được trưng bày để du khách chọn cho mình những nơi muốn đi nhất với một cung đường hợp lý.
Theo dõi bản tin thời sự trong tháng lễ hội, chúng tôi tuyệt nhiên không hề thấy một tai nạn hay bất trắc nào xảy ra trong lễ hội Gion năm nay. Có thể thấy mọi việc đều được chuẩn bị hết sức chu đáo để du khách và người dân tận hưởng một lễ hội an toàn và quy củ nhất. Không chỉ chính quyền và các cơ quan quản lý, mà vai trò to lớn nằm ở mỗi người dân Kyoto – ý thức cao về lòng tự hào về truyền thống và tinh thần hết mình cống hiến cho lễ hội quê hương đã đem đến cho du khách trải nghiệm lễ hội sự hài lòng cao nhất./.
(Sưu tầm)